Đại thắng mùa xuân 1975 – Bản anh hùng ca cho ý chí tự lực, tự cường và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam
Đại thắng mùa xuân 1975 – Bản anh hùng ca cho ý chí tự lực, tự cường và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam
Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Sau 21 năm hy sinh gian khổ, quân và dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, thu non sông về một dải thống nhất. Thắng lợi này đã tô thắm trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, thêm lần nữa khẳng định bản lĩnh, ý chí và tinh thần bất khuất của một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng sẵn sàng “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4(ảnh TL).
Sau 9 năm kiên cường kháng chiến chống Pháp, tiếp tục 21 năm gian khổ chống Mỹ, đã lấy đi không biết bao mất mát, máu xương của cha ông, của đất nước. Hy sinh to lớn ấy đã được đền đáp bằng Đại thắng mùa Xuân 1975, đây là kết tinh của ý chí, của tinh thần đoàn kết “trên dưới một lòng”, đường lối chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Bản lĩnh của một dân tộc: giặc đến nhà đàn bà cũng đánh
Ngay khi Pháp còn xâm chiếm Việt Nam, tại Đại hội II (1951), trong Chính cương của Đảng đã chỉ rõ: “Kẻ thù chính, kẻ thù trước mắt của dân tộc Việt Nam lúc này là đế quốc Pháp. Song kẻ thù nguy hiểm của dân tộc Việt Nam hiện nay là can thiệp Mỹ” [1]. Vì thế, chúng ta không bất ngờ khi Mỹ can thiệp quá sâu vào bản hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm hợp thức hóa hành động của chúng khi xâm lược miền Nam Việt Nam. Với bản lĩnh của một dân tộc “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” và một ý chí cùng quyết tâm cao độ, lòng quả cảm phi thường, sức sáng tạo vô tận, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh: đơn phương, đặc biệt, cục bộ. Vòng đàm phán ở Hội nghị Pari được mở (1968) ghi nhận thành quả ban đầu có được sau 15 năm gian khó.
Ngày 27/1/1973, sự đấu tranh kiên trì, nhẫn nại nhưng không khoan nhượng của Đảng ta đã có kết quả, bản Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Nhiệm vụ đầu tiên “đánh cho Mỹ cút” đã hoàn thành, niềm tin vào sự thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà sắp thành hiện thực. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, Đảng ta nhận định sẽ có 2 khả năng thống nhất đất nước. “Khả năng thứ nhất, địch tôn trọng hiệp định, thành lập được chính phủ ba thành phần ở miền Nam, chúng ta sẽ thống nhất Tổ quốc trong hòa bình; thứ hai, nếu địch gây chiến, xé bỏ hiệp định thì chúng ta phải dùng bạo lực cách mạng để quét sạch chúng, thu giang sơn về một mối. Thực tế chiến trường chỉ diễn ra khả năng thứ hai”[2]
Mong mỏi nước nhà được thống nhất, “Bắc - Nam sum họp một nhà”, chúng ta hiểu rất rõ giá trị của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thời cơ ngàn năm có một đã đến, “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Chủ nghĩa anh hùng chân chính: “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”
Lý luận và thực tiễn quân sự thế giới đều khẳng định rằng chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ vì cuộc chiến tranh của nhân dân ta chính nghĩa, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa do đế quốc Mỹ thực hiện để giữ vững độc lập dân tộc, giành lại tự do, hạnh phúc. Điều đó đã lý giải phần nào vì sao Việt Nam, một nước nhỏ, đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã đánh thắng đế quốc Mỹ, một cường quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn nhất thế giới.
Niềm tin vào lẽ phải, vào chân lý, nên dù chiến trường gian khổ, khốc liệt, nhưng với thế hệ thanh niên khi ấy thì “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Khí thế hào hùng “cả nước ra quân, toàn dân đánh giặc” đã trở thành “lẽ tự nhiên, thường tình” của cả một thế hệ quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nay lại được nhân lên gấp bội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ở đất nước nhỏ bé, con người bé nhỏ nhưng đi đến đâu cũng có thể gặp anh hùng, bởi trong họ mang sẵn dòng máu của dân tộc “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”
Sự háo hức tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, lớp lớp người già, người trẻ, phụ nữ, các giới đồng bào không phân biệt dân tộc, tôn giáo, trước hết là thanh niên trên mọi miền đất nước, tham gia phục vụ và bảo đảm mọi mặt cho chiến trường miền Nam, tập trung ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự thể hiện sâu sắc, thăng hoa nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chính ý chí quật khởi của một dân tộc anh hùng được sinh ra từ lý tưởng cao cả là ĐỘC LẬP, TỰ DO, đã làm nảy nở muôn vàn những hành động trong lao động và chiến đấu, hy sinh quên mình cho lý tưởng cao đẹp đó, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “thần tốc”, “táo bạo”, “tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. “Quyết chiến và toàn thắng”. Tinh thần lên đường giải phóng miền Nam, khí thế ra trận nô nức như đi “trẩy hội” là biểu hiện sinh động nhất, thăng hoa nhất, rộng khắp, vững chắc nhất và sức mạnh vô địch của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Nền tảng vững chắc, thành quả vững bền
Chủ nghĩa anh hùng chân chính cùng với ý chí kiên cường của một dân tộc bé nhỏ được thăng hoa bởi nền móng vững vàng đó chính là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ vĩ đại. Trên lập trường của giai cấp công nhân, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tầm cao trí tuệ, Đảng ta đã đánh giá đúng tình hình, chỗ mạnh, chỗ yếu của đế quốc Mỹ, định ra đường lối chiến lược xuyên suốt sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với hai giai đoạn: “đánh cho Mỹ cút” tiến tới “đánh cho ngụy nhào”; đồng thời, đề ra sách lược cách mạng thích ứng với từng giai đoạn của cuộc kháng chiến.
Đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đó của Đảng không những rất phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, mà còn phù hợp với tình hình thế giới trong thời kỳ này. Nó mang đậm tính cách mạng, khoa học, phát huy cao nhất các nhân tố dân tộc và thời đại, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế. Đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự kế thừa, phát triển ở tầm cao mới, trong điều kiện mới của đường lối độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong 56 ngày đêm, với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”. Trong trận quyết chiến chiến lược này, ta đã đánh bại hoàn toàn quân đội ngụy, do Mỹ dày công tổ chức, nuôi dưỡng trong thời gian dài, được huấn luyện và trang bị với số lượng lớn phương tiện, vũ khí hiện đại và hệ thống phòng thủ, bố trí chiến lược hoàn chỉnh (mạnh hai đầu) ở miền Nam. Cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta có tầm vóc lớn cả về quân sự và chính trị, về không gian và lực lượng, đã giành thắng lợi trong thời gian rất ngắn, ít tổn thất. Thậm chí nó diễn ra sớm hơn cả ý định ban đầu của ta tới gần hai năm, gây bất ngờ và kinh hoàng đối với Mỹ - ngụy, trước sự ngạc nhiên đến sửng sốt của nhiều người trong nước và trên thế giới. Điều đó càng khẳng định tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược xuất sắc của Đảng ta, nhất là trong việc tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận, tạo thời cơ, nắm thời cơ và hạ quyết tâm cho trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất.
Khúc ca khải hoàn “đất nước trọn niềm vui”, được đi trong “muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay”, “sau ba mươi năm nay mới gặp nhau”, mừng mừng, tủi tủi mà gỡ như là giấc mơ. Bao hy sinh, mất mát cuối cùng cũng đã được đền đáp. Ước nguyện Nam - Bắc một nhà của Bác Hồ kính yêu đã thành hiện thực.
Gần 50 năm đã qua, nhưng khí thế hào hùng của ngày thống nhất đất nước luôn khiến chúng ta tự hào mỗi khi nhớ về. Tinh thần “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không có gì thay đổi” là sức mạnh vô song có thể nhấn chìm mọi âm mưu của kẻ thù.
Đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện này, Đại hội lần thứ IV (12/1976) của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Văn kiện Đảng toàn tập - Tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000 tr 104 -105
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng (Hồi ức), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000 tr.7
[3] Văn kiện Đảng toàn tập - Tập 21, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000 tr.909
Nguồn: Ths. Cao Thị Thu Trà -
Bộ môn Khoa học Chính trị