Hội thảo "Đánh giá thực trạng trong việc thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp của các cơ sở, tổ chức công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội"
Hội thảo "Đánh giá thực trạng trong việc thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp của các cơ sở, tổ chức công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội"
Sáng 25/11/2024, Trường Đại học Điện lực phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng của các cơ sở, tổ chức công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội trong việc thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó”.
Tham dự hội thảo với sự góp mặt của ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp; Ông Trần Anh Quân - Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ và Tri thức - Viện IMI; Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Khởi nghiệp Bách Khoa (BKHoldings); Ông Đào Quang Thủy – Trưởng phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp KH&CN, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN và đại diện các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Về phía Trường Đại học Điện lực có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng; cùng các giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong Trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ, thảo luận và đề xuất những giải pháp cụ thể để xây dựng Nghị định hướng dẫn khoản 4 Điều 23 Luật Thủ đô với các quy định rõ ràng, khả thi, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cơ sở công lập khi tham gia doanh nghiệp.
Các bài tham luận, phát biểu của những chuyên gia tại hội thảo:
1. PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, đã trình bày về các hoạt động chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, nghiên cứu, tài sản trí tuệ của Viện. Ông nêu rõ những khó khăn trong việc định giá, chuyển giao tài sản và đề xuất các quy định liên quan đến định giá và phân chia lợi ích vào Nghị định.
2. TS. Trần Anh Quân - Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ và Tri thức, Viện IMI, trình bày tham luận về việc thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ tại Viện. Ông đề xuất sáng kiến cho viên chức tham gia quản lý doanh nghiệp và hưởng lợi thông qua hình thức “cổ phiếu vàng” để khuyến khích chuyển giao công nghệ.
3. Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc dự án của BKHoldings, trình bày kinh nghiệm thành lập doanh nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học công lập. Ông đưa ra case-study về mô hình spin-off của Đại học Bách Khoa và đề xuất các quy định rõ ràng về quyền sở hữu và hỗ trợ phát triển sau khi thương mại hóa.
4. PGS. TS. Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện Lực, đóng góp ý kiến về tác động của Nghị định đối với trường, đề xuất các quy định cụ thể hơn về quyền của viên chức khi góp vốn, điều hành doanh nghiệp, quy trình định giá, và chuyển giao tài sản công nhằm đảm bảo tính khả thi sau khi Nghị định ban hành.
Tại phiên thảo luận do ông Nguyễn Hồng Sơn điều hành, các chuyên gia đã trao đổi về các điều chỉnh cần thiết trong Nghị định hướng dẫn khoản 4 Điều 23 Luật Thủ đô, như việc bổ sung các quy định chi tiết hoặc dẫn chiếu sang các luật chuyên ngành.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao sự tham gia của các chuyên gia và đại diện các tổ chức công lập, ghi nhận những đóng góp thiết thực về thực trạng và cơ hội thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại Hà Nội. Hội thảo đã cung cấp thông tin hữu ích và góp phần xây dựng Nghị định hướng dẫn khoản 4 Điều 23 Luật Thủ đô, nhằm tạo động lực và tháo gỡ rào cản cho quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ của các cơ sở giáo dục và khoa học công lập.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp