Hợp tác lĩnh vực AI và Robot giữa Trường Đại học Điện lực và Đại học Dân tộc Quảng Tây
Hợp tác lĩnh vực AI và Robot giữa Trường Đại học Điện lực và Đại học Dân tộc Quảng Tây
Vừa qua, Trường Đại học Điện lực (EPU) đã có buổi làm việc với Đại học Dân tộc Quảng Tây (GXU) – Trung Quốc nhằm thảo luận về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và robot. Buổi làm việc hướng tới mục tiêu thiết lập nền tảng hợp tác bền vững trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Tiếp đón đoàn có PGS.TS. Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng; TS. Chu Việt Thức - Phó Trưởng phòng QLKH&HTQT; PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Trưởng khoa ĐK&TĐH; TS. Lê Cường - Giảng viên khoa CNTT và chuyên viên phòng QLKH&HTQT.
Về phía Đại học Quảng Tây có sự tham dự trực tiếp của ông Trình Nghị – Giáo sư Học viện Trí tuệ Nhân tạo, phụ trách kết nối các dự án AI tại Việt Nam; ông Trần Bình Giảng – Tổng Giám đốc Công ty Global Cooperation; bà Trần Kim Vân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục Quốc tế Edubest.
Tham gia trực tuyến có ông Cao Hưng Vũ – Phó Hiệu trưởng Đại học Dân tộc Quảng Tây; bà Chu Yến Tiên – Trưởng phòng Hợp tác và Giao lưu Quốc tế; bà Trương Ngọc Trinh – Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ; bà Cát Lệ Na – Viện trưởng Học viện Trí tuệ Nhân tạo; và bà La Lệ Bình – Viện trưởng Viện Vật lý và Thông tin Điện tử.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, hai bên đã giới thiệu tổng quan về hoạt động đào tạo, nghiên cứu và các lĩnh vực công nghệ đang triển khai. Trường Đại học Điện lực tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực điện và năng lượng; còn Đại học Dân tộc Quảng Tây nổi bật với thế mạnh trong nghiên cứu robot, đặc biệt là các ứng dụng trong công nghệ, dịch vụ và y tế.
Cả hai trường đều ghi nhận những kết quả tích cực trong việc phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành – đặc biệt là kho dữ liệu thuật ngữ kỹ thuật và công nghệ, giúp nâng cao độ chính xác trong các hệ thống AI chuyên sâu. Đại học Quảng Tây cũng chia sẻ các thành tựu trong nghiên cứu robot y tế – một lĩnh vực đang được đánh giá có tiềm năng ứng dụng cao.
Trong buổi làm việc, hai bên đã thảo luận và thống nhất một số định hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới, bao gồm: Xây dựng mô hình ngôn ngữ Trung – Việt: Phục vụ xử lý ngôn ngữ chuyên ngành, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển kho dữ liệu song ngữ chất lượng cao; Nghiên cứu phát triển robot ứng dụng: Tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, nhằm cải thiện năng suất lao động và chất lượng cuộc sống;
Đào tạo và trao đổi học thuật: Hợp tác đào tạo sinh viên, trao đổi giảng viên và nhà nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu tiên tiến; Tham gia mạng lưới phát triển AI khu vực: Phía Đại học Quảng Tây chia sẻ kế hoạch xây dựng Trung tâm AI tại thành phố Nam Ninh, hướng tới hợp tác với các quốc gia ASEAN trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thu hút nguồn lực chất lượng cao.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã nhất trí tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm chính thức hóa các nội dung hợp tác và tạo nền tảng cho các dự án cụ thể trong tương lai. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển công nghệ AI và robot, đóng góp tích cực vào sự đổi mới sáng tạo và hợp tác khu vực.
Nguồn: Bộ phận Truyền thông - Trung tâm TQĐ