Kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18/5: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới
Kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18/5: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới
TS. Phạm Duy Phong, Trưởng khoa ĐTVT
“Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của Nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Đây là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18 tháng 5 năm 1963, bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất.
Đây chính là phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức nghiên cứu khoa học; khoa học phải gắn với nhiệm vụ, với đời sống xã hội, gắn với thực tiễn, phải xuất phát từ thực tiễn và quay lại phục vụ chính thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất của nhân dân. Năng suất lao động cao thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Do vậy, trong các thời kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, Người chú trọng đề ra các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển khoa học và kỹ thuật.
Đến ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong những ngày này, nhiều hoạt động được ngành khoa học tổ chức, là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng. Dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, kinh tế tri thức dần dần giữ vai trò chủ đạo. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và kỹ thuật trong xây dựng chủ nghĩa xã hội càng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc đã được Đảng ta cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án, chương trình, trong đó, xác định cùng với giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Khoa học và công nghệ được xác định là “động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”, góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể của nước ta trong giai đoạn tới, đó là: "Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ với các nội dung chủ yếu như sau:
Quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới. Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài, ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, đặc biệt là chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Trường đại học Điện lực tổ chức Hội thảo quốc tế "Chuyển dịch năng lượng: Đào tạo nhân lực, nghiên cứu và công nghệ"
Mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Định hướng chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bao trùm, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
- Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học: Về Khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu và dự báo các xu hướng phát triển trong giai đoạn đến năm 2030 và những thập niên tiếp theo bao gồm xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; xu hướng cạnh tranh và xung đột trong bối cảnh quốc tế; sự hình thành các liên kết mới trên thế giới và khu vực; xu thế phát triển bền vững; nghiên cứu dự báo những tác động của các xu hướng lớn toàn cầu, khu vực đến mô hình phát triển, thể chế và an ninh của Việt Nam; nghiên cứu chính sách và giải pháp cho Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển, đảm bảo an ninh và nâng cao vị thế của Việt Nam,...Về khoa học tự nhiên: Xây dựng nền khoa học cơ bản hiện đại, bám sát các xu hướng của thế giới; nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn và công nghệ về biển, đại dương; tập trung nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng nhằm tiếp thu, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn,...
- Định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ: Tập trung vào 10 lĩnh vực chủ yếu là công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ chế tạo - tự động hóa; công nghệ biển; công nghệ phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; công nghệ năng lượng; công nghệ môi trường; công nghệ vũ trụ; công nghệ xây dựng, giao thông và hạ tầng tiên tiến, thông minh.
+ Công nghệ thông tin và truyền thông: Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng và hình thành các cơ sở dữ liệu lớn, tạo ra những sản phẩm, thiết bị và các tiện ích thông minh. Nghiên cứu làm chủ lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng. Chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực làm chủ, hấp thụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiến tới sáng tạo, tự chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị cho mạng viễn thông, mạng di động, thiết bị đầu cuối 5G và thế hệ sau 5G.
+ Công nghệ vật liệu mới: Chuyển giao công nghệ, nghiên cứu chế tạo các vật liệu mới tiên tiến phục vụ công nghiệp và xây dựng như các vật liệu chức năng có cơ lý tính biến đổi, vật liệu polyme và composit tiên tiến, vật liệu kim loại và hợp kim tiên tiến, các lớp phủ bảo vệ chống chịu các điều kiện khắc nghiệt, gốm kỹ thuật tiên tiến, vật liệu thông minh, các vật liệu mới; Nghiên cứu làm chủ các công nghệ vật liệu lưu trữ và chuyển hóa năng lượng như pin, pin nhiên liệu hiệu suất cao, vật liệu tích trữ hydro, vật liệu chuyển hóa quang - điện, nhiệt - điện, quang - nhiệt, vật liệu điện gió, nhiên liệu sinh học.
+ Công nghệ chế tạo - tự động hóa: Tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ chế tạo - tự động hóa tiên tiến, thông minh; công nghệ chế tạo các hệ thống thiết bị tiết kiệm năng lượng; công nghệ chế tạo các hệ thống phức tạp, quy mô lớn và có độ tin cậy cao; công nghệ in 3D; công nghệ tự động hóa đo lường và xử lý thông tin, điều khiển tự động các quá trình sản xuất; công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn công suất lớn. Nghiên cứu, chế tạo mới một số tổ hợp trang bị có độ chính xác và mức độ tích hợp, tự động cao trong quốc phòng, an ninh.
+ Công nghệ năng lượng: Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu, công nghệ nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng. Nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử, công nghệ hạt nhân và bức xạ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; các giải pháp bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân, đặc biệt là trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp và môi trường.
- Định hướng hoạt động đổi mới sáng tạo: Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông, dịch vụ và hoạt động đổi mới sáng tạo trong các vùng.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, cần thực hiện 09 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đó là: Đổi mới cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh; Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao; Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp có liên quan trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của quốc gia vào chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm, hàng năm của tổ chức mình.
Tài liệu tham khảo:
[1] Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
[2] TS. Lê Xuân Định, Tạo đột phá để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững, Tạp chí Cộng sản, 01/2022.
[3] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Khoa học công nghệ - Nền tảng, động lực cho phát triển, 2020.
[4] Tạp chí quốc phòng toàn dân, Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, 2018.
[5] Báo điện tử Chính phủ, Bác Hồ nói về sự nghiệp khoa học - kỹ thuật, 2018.
[6] Cổng thông tin Bộ KH&CN, Khoa học phải từ sản xuất mà ra, 2013.