Lan tỏa nhận thức xã hội về sử dụng năng lượng
Lan tỏa nhận thức xã hội về sử dụng năng lượng
Tại Hội nghị tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đã giới thiệu các mô hình và giải pháp hiệu quả trong sử dụng năng bền vững dành cho doanh nghiệp.
Ngày 18/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) cho hơn 50 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3), nhằm nâng cao năng lực truyền thông và lan tỏa nhận thức xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tham dự hội nghị có ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến Công (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương; ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam; bà Lê Thị Thuý Lan, Trưởng Ban môi trường và Phát triển bền vững, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công thương nhấn mạnh: Tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là những giải pháp cấp thiết, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn, giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung năng lượng toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị, TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đã giới thiệu các mô hình và giải pháp hiệu quả trong sử dụng năng bền vững dành cho doanh nghiệp như: Tối ưu hóa quy trình sản xuất (kiểm tra định kỳ quản lý năng lượng và bảo dưỡng khắc phục sai hỏng); Quản lý năng lượng (lắp đặt hệ thống giám sát tiêu thụ năng lượng theo khu vực, dây chuyền, xây dựng mô hình quản lý năng lượng); Tích hợp thiết bị (biến tần, bộ thu hồi nhiệt, bộ điều khiển); Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng (động cơ hiệu suất cao, TBA tổn hao thấp, điều hòa inverter, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng)…
TS. Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực chia sẻ mô hình và giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng trong phát triển bền vững tại Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo khảo sát của VNEEP 3, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp – nơi chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%.
Hiện có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu mỗi cơ sở thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ hằng năm thì trung bình sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện mỗi năm.
Năm 2025 đánh dấu một nửa chặng đường triển khai chương trình VNEEP 3, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mà Việt Nam đã đưa ra trong các Hội nghị về biến đổi khí hậu. Trong hành trình đó, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất về giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân và bảo vệ môi trường.
Nguồn: Bộ phận Truyền thông - Trung tâm TQĐ