Những dấu mốc chính trị quan trọng của đất nước qua các kỳ Đại hội Đảng
Những dấu mốc chính trị quan trọng của đất nước qua các kỳ Đại hội Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi kỳ Đại hội không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc cách mạng của Đảng mà còn gắn liền với những thay đổi lớn lao trong vận mệnh đất nước. Trong tiến trình phát triển gần một thế kỷ, các kỳ Đại hội Đảng đã để lại nhiều dấu mốc chính trị quan trọng, góp phần định hình con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại hội I của Đảng: Bước khởi đầu cho sự nghiệp giành và giữ chính quyền
Mùa xuân năm 1930, với khát vọng “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, sau bao vất vả, nỗ lực tại Cửu Long (Hương Cảng – Trung Quốc) Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Với cương vị đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản, là người triệu tập và chủ trì Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo bản Cương lĩnh Chính trị đầu tiên, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng số 1 của cách mạng Việt Nam khi ấy là giành lại độc lập cho dân tộc và mang lại ruộng đất cho người nông dân.
Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng quy tụ và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tiến hành đấu tranh, tạo nên một phong trào cách mạng sâu rộng trong những năm 1930–1931. Cao trào cách mạng này diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng (1929–1933), kéo theo hệ quả là gánh nặng kinh tế, chính trị được thực dân Pháp chuyển sang các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, với bản lĩnh chính trị và tư duy chiến lược sắc bén, Đảng đã đề ra chủ trương phát động quần chúng đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống, chống lại chính sách đàn áp và khủng bố của thực dân, đồng thời yêu cầu trả tự do cho những người yêu nước bị bắt giữ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động; nông dân đòi giảm sưu thuế, xóa bỏ áp bức bóc lột phong kiến. Các hình thức đấu tranh chủ yếu bao gồm đình công, bãi công, biểu tình, tuần hành…
Từ tháng 9 năm 1930, phong trào đấu tranh phát triển trên quy mô rộng khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam, đặc biệt ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã xuất hiện hình thức đấu tranh bạo động, dẫn đến sự ra đời của các Xô viết cấp xã – hình thức chính quyền công nông đầu tiên ở Việt Nam. Sự kiện này được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930–1931, thể hiện năng lực tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong thực tiễn cách mạng.
Cuối năm 1931, cách mạng Đông Dương lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng khi hệ thống tổ chức của Đảng bị thực dân Pháp khủng bố nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, Quốc tế Cộng sản kịp thời phát động phong trào quốc tế phản đối khủng bố trắng, đòi trả tự do cho tù chính trị, và tháng 6/1932 đã công bố Chương trình hành động định hướng cho cách mạng Đông Dương. Nhờ sự chỉ đạo, hậu thuẫn này, những người cộng sản tiếp tục kiên cường hoạt động, từng bước phục hồi tổ chức Đảng. Tháng 3 năm 1934, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình khôi phục tổ chức. Đến tháng 3 năm 1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), thông qua Điều lệ Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương và cử đồng chí Lê Hồng Phong giữ chức Tổng Bí thư. Đại hội đánh dấu bước khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng sau thời kỳ khủng bố trắng, thống nhất phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo tập trung từ Trung ương đến cơ sở, cả trong nước và hải ngoại.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến – như khủng hoảng kinh tế ở các nước tư bản và sự lớn mạnh của phong trào cộng sản quốc tế – Đại hội I đã phản ánh tinh thần phục hồi của phong trào đấu tranh trong nước: công nhân đình công, học sinh bãi khóa, nông dân biểu tình chống thuế.
Trên cơ sở đó, Đại hội xác định ba nhiệm vụ chủ yếu cho thời kỳ trước mắt: (1) Củng cố và phát triển Đảng, đặc biệt trong các xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ; (2) Thâu phục quần chúng bằng cách bảo vệ quyền lợi thiết thực và tổ chức các hình thức hoạt động công khai, bí mật; (3) Chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ Liên Xô – thành trì của cách mạng thế giới, thông qua việc thành lập Ban Chống chiến tranh đế quốc do Đảng lãnh đạo
Đại hội I được đánh giá là bước chuyển quan trọng, khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới, đặt nền móng vững chắc cho cao trào cách mạng 1936–1939 và xa hơn là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng không chỉ là sự kiện đánh dấu bước phục hồi tổ chức sau những tổn thất nặng nề do thực dân Pháp gây ra, mà còn là mốc khởi đầu cho một thời kỳ phát triển mới của phong trào cách mạng Việt Nam. Những định hướng, nhiệm vụ và nguyên tắc tổ chức được xác lập từ Đại hội đã góp phần quan trọng định hình đường lối cách mạng và phương pháp đấu tranh phù hợp trong những năm sau đó.
Trước hết, việc khôi phục hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở đã giúp Đảng lấy lại sức mạnh lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ với quần chúng. Chính hệ thống tổ chức vững mạnh này là điều kiện tiên quyết để Đảng có thể lãnh đạo phong trào đấu tranh rộng khắp trong cao trào 1936–1939 – thời kỳ mà các tổ chức công khai như Mặt trận Dân chủ Đông Dương được thành lập và các quyền dân sinh, dân chủ từng bước được đòi hỏi.
Thứ hai, quan điểm "thâu phục quảng đại quần chúng" của Đại hội I đã được cụ thể hóa trong các hoạt động đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, vận động chính trị, xã hội qua báo chí, nghị trường, công đoàn,… từ năm 1936. Đường lối tập hợp lực lượng được đề ra tại Đại hội đã giúp Đảng mở rộng ảnh hưởng trong các tầng lớp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và trí thức yêu nước – tạo nền tảng xã hội rộng lớn cho cuộc cách mạng sau này.
Thứ ba, tinh thần quốc tế và chống chiến tranh đế quốc của Đại hội cũng là sự chuẩn bị về tư tưởng và chính trị cho lực lượng cách mạng nước ta, nhất là khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra. Những quan điểm đúng đắn này góp phần quan trọng vào sự chuyển hướng chiến lược cách mạng trong Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 – từ đấu tranh dân chủ sang giải phóng dân tộc – phù hợp với điều kiện lịch sử và yêu cầu cách mạng mới.
Cuối cùng, nguyên tắc tổ chức và kỷ luật Đảng được nhấn mạnh tại Đại hội I, đặc biệt là yêu cầu tăng cường phê bình và tự phê bình, “giữ vững tính thống nhất và kỷ luật của tổ chức, đã góp phần làm nên một Đảng vững vàng về chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Điều này trở thành yếu tố then chốt để Đảng đủ sức lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Đây là lần đầu tiên một Đảng cách mạng non trẻ, mới 15 năm tuổi, đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thiết lập chính quyền cách mạng trong toàn quốc. Thành công ấy mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước và vận mệnh dân tộc mình. Đây là thắng lợi của ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, của tinh thần “anh em trên dưới một lòng”, của niềm tin vào một chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Như vậy, Đại hội lần thứ nhất của Đảng không chỉ mang ý nghĩa phục hồi tổ chức mà còn có giá trị chiến lược lâu dài, đặt nền tảng cho sự trưởng thành của Đảng và thắng lợi của cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân.
Đại hội II là bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng, yếu tố lý luận quan trọng làm nên thắng lợi “lừng lẫy năm châu” ở Điện Biên Phủ
Sau hơn 5 năm chiến đấu, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đặc biệt từ sau chiến thắng Biên giới (1950), làm thay đổi cục diện chiến tranh, đẩy Pháp vào thế sa lầy. Cùng thời điểm, phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh. Hệ thống xã hội chủ nghĩa được củng cố, phong trào giải phóng dân tộc lan rộng, và phong trào bảo vệ hòa bình trở thành xu thế chung. Ở Đông Dương, lực lượng kháng chiến của Lào và Campuchia cũng lớn mạnh. Tình hình mới đặt ra yêu cầu cấp bách phải bổ sung, hoàn chỉnh đường lối cách mạng và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Trước bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập (2/1951) nhằm đáp ứng những đòi hỏi mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Vùng đất Vinh Quang - Chiêm Hóa của Tuyên Quang là nơi được lựa chọn tổ chức Đại hội Đảng II, đúng với tiêu chí mà Bác Hồ đã căn dặn "Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì". Trước những khó khăn bộn bề của đất nước, sự hy sinh lớn lao của đồng bào và chiến sĩ, nhưng gian khó ấy không ngăn cản tinh thần nhiệt huyết của Đại hội, sự thống nhất của “ý Đảng, lòng Dân”, sự kết hợp giữa trí tuệ của đội tiền phong lãnh đạo với mong muốn, khát vọng độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ của một Đảng chân chính luôn đặt quyền lợi của đất nước, hạnh phúc của nhân dân lên trên tất cả.
Những định hướng chiến lược được xác lập tại Đại hội II như: “phải tập trung mọi lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc”, “tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại can thiệp Mỹ”, “đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn” đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, dốc toàn lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Một trong những điểm nhấn của Đại hội đó chính là công tác xây dựng Đảng. Đại hội II nhấn mạnh: “Muốn xây dựng, củng cố và phát triển Đảng… phải phát triển phê bình và tự phê bình”. Đồng thời, Đại hội yêu cầu “đề cao công tác lý luận trong Đảng” để tổng kết thực tiễn, bổ sung chính sách, đúc kết kinh nghiệm thành lý luận phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Thực hiện những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đại hội II, những năm 1951 - 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiến lên giành thắng lợi với Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện cho miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đại hội Đảng lần thứ III (9/1960) – thực hiện khát vọng của chân lý “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”
Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, lần đầu tiên Đại hội Đảng Toàn quốc được họp tại thủ đô Hà Nội (Hội trường 1- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay). Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ tính chất và nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội là: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Người đồng thời bày tỏ quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thể hiện bằng một lời khẳng định đầy xúc động và mạnh mẽ: “Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng được miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên”.
|
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) họp tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò chiến lược của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, khi Người khẳng định: “Miền Bắc giàu mạnh là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”. Tiếp nối tinh thần đó, Báo cáo chính trị do đồng chí Lê Duẩn trình bày tại Đại hội đã cụ thể hóa nhiệm vụ cách mạng của toàn quốc. Báo cáo xác định rõ: Cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược song song: Một là, “giải phóng miền Nam”; hai là, “đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nhằm mục tiêu chung là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Với định hướng đúng đắn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, củng cố niềm tin sắt son, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đại hội đã tạo nên thế và lực vững chắc cho cả hai miền cùng tiến bước trên con đường cách mạng vẻ vang.
Miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững vàng vươn lên trong xây dựng, vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa trở thành hậu phương lớn, chi viện to lớn về sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Trong khi đó, đồng bào, chiến sĩ miền Nam anh dũng vùng lên trong phong trào Đồng khởi, kiên cường đấu tranh chống Mỹ – Diệm, từng bước đẩy mạnh cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do.
Thực tiễn lịch sử đã khẳng định tính đúng đắn và sáng suốt của đường lối cách mạng mà Đại hội III đã đề ra. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đi đến thắng lợi cuối cùng với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối.
Đại hội III chính là cột mốc lịch sử quan trọng, mang tầm chiến lược, thể hiện tầm vóc lãnh đạo kiệt xuất và bản lĩnh cách mạng của Đảng ta. Việc xác định đúng hai nhiệm vụ chiến lược song song – xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam – đã góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trên con đường giành lại độc lập, tự do và thống nhất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài 1
ThS. Cao Thị Thu Trà
Khoa Lý luận chính trị & Pháp luật