Những dấu mốc chính trị quan trọng của đất nước qua các kỳ Đại hội Đảng
Những dấu mốc chính trị quan trọng của đất nước qua các kỳ Đại hội Đảng
Đại hội IV(1976) và Đại hội V(1982) – Những năm tháng khó khăn khi cả nước cùng chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, non sông Việt Nam thu về một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân cả nước hân hoan bước vào một giai đoạn mới: giai đoạn thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1975 đến đầu những năm 1980, tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc. Cục diện Chiến tranh lạnh tiếp tục căng thẳng. Các thế lực phản động gia tăng hoạt động chống phá các nước xã hội chủ nghĩa. Mỹ thực hiện chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam. Tại khu vực Đông Nam Á, chiến thắng của cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia vào năm 1975 đã mở ra một chương mới rực rỡ trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, phản ứng của các thế lực thù địch vô cùng gay gắt. Tập đoàn phản động Khmer Đỏ ở Campuchia - dưới sự hậu thuẫn trắng trợn của Trung Quốc - liên tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Trước tình thế đó, quân và dân ta với tinh thần quốc tế cao cả, đã tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa, tiêu diệt chế độ diệt chủng man rợ, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng - một hành động dũng cảm và đầy tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết vô sản quốc tế cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, tháng 2 năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nước ta. Song, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tiến công quy mô lớn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh chiến đấu kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian này đất nước ta bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong muôn vàn khó khăn, thử thách. Hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại: hàng triệu người mất nhà cửa, đất đai cằn cỗi, hạ tầng kiệt quệ, nền kinh tế non yếu, cùng với hậu quả của thiên tai, lạm phát, thiếu lương thực, vật tư… Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi chúng ta phải đối mặt với sự bao vây, cấm vận khắc nghiệt của các thế lực bên ngoài.
Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã được tiến hành. Với bản lĩnh cách mạng kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần “vượt khó vươn lên”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm, nỗ lực tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Đường lối phát triển kinh tế được xác định là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp, nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Thế nhưng, thực tiễn không đi theo ý chí chủ quan. Do ảnh hưởng của cơ chế quản lý bao cấp, tư duy cũ kỹ, nặng tính mệnh lệnh hành chính và chưa phát huy được sức sáng tạo của nhân dân, nền kinh tế đất nước lâm vào tình trạng trì trệ, mất cân đối kéo dài. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Đảng ta đã nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, quyết tâm điều chỉnh đường lối và chính sách.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982) được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt - khi đất nước đang đứng trước thử thách sống còn về kinh tế - xã hội và quốc phòng. Đại hội đã tổng kết những thành tựu, hạn chế trong 5 năm đầu sau thống nhất, khẳng định: "Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã đề ra là đúng đắn", đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ trung tâm là "ổn định tình hình kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội".
Đại hội V tiếp tục nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, phát huy vai trò chủ động của các địa phương, đơn vị cơ sở, và chú trọng hơn tới yêu cầu nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Hai kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V đã là những dấu ấn quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, thể hiện sâu sắc tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và bản lĩnh kiên cường của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng ta đã thể hiện rõ trí tuệ lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh chính trị vững vàng của một Đảng chân chính cách mạng, - một Đảng “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”.
Trong muôn vàn khó khăn chồng chất, nhân dân ta vẫn giữ trọn niềm tin vào Đảng, ra sức lao động, cống hiến, kiên cường vượt lên số phận, khẳng định chân lý sáng ngời: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, và "Chủ nghĩa xã hội là khát vọng cao đẹp của nhân dân ta".
Đại hội VI (12/1986) – Đại hội của bản lĩnh cách mạng, dám “nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật và nói rõ sự thật”
Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới diễn ra những biến động sâu sắc, phức tạp và nhanh chóng. Chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng tại nhiều quốc gia ở Đông Âu. Quan hệ giữa các nước lớn trong cục diện Chiến tranh lạnh có dấu hiệu thay đổi; quá trình chạy đua vũ trang vẫn tiếp diễn quyết liệt, trong khi đó, làn sóng cải cách, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ, tiêu biểu là mô hình “bốn con rồng châu Á” (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông). Những tiến bộ vượt bậc về khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin, tự động hóa, điện tử đã tác động mạnh mẽ tới quá trình sản xuất, quản lý và tổ chức xã hội.
Ở trong nước, sau hơn 10 năm đất nước được thống nhất và đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy nhiên vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách to lớn. Nền kinh tế lâm vào khủng hoảng kéo dài, sản xuất trì trệ, năng suất lao động thấp, lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân hết sức khổ cực. Cơ chế quản lý tập trung, bao cấp ngày càng bộc lộ rõ những yếu kém, bất cập. Mọi nguồn lực xã hội chưa được phát huy đúng mức, tư duy bảo thủ, giáo điều, duy ý chí trong quản lý kinh tế và xã hội vẫn còn nặng nề. Trong khi đó, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là sự bao vây, cấm vận khốc liệt của các thế lực thù địch, càng khiến đất nước thêm phần khó khăn, căng thẳng.
Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 6 của Đảng (12/1986) – nền móng của công cuộc đổi mới |
Trong hoàn cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đứng trước một yêu cầu cấp bách: phải đổi mới tư duy, tìm con đường phát triển phù hợp với thực tiễn và xu thế thời đại. Với tinh thần trách nhiệm cao, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh khuyết điểm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp từ ngày 15 đến 18 tháng 12 năm 1986 tại Hà Nội, đã trở thành một bước ngoặt lịch sử, một mốc son chói lọi, mở đầu cho thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Ý nghĩa lịch sử to lớn của Đại hội VI không chỉ nằm ở quyết sách đổi mới táo bạo và đúng đắn, mà còn thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng dám đổi mới chính mình vì lợi ích của nhân dân, vì sự phồn vinh của dân tộc. Đại hội VI là biểu tượng rực rỡ cho ý chí quật cường, khát vọng vươn lên, niềm tin và sức sống mãnh liệt của một dân tộc đã đi qua chiến tranh, nhưng không cam chịu tụt hậu trong hòa bình.
Từ Đại hội VI, công cuộc Đổi mới chính thức được khởi xướng - mở ra một thời kỳ phát triển mới, năng động, hội nhập, đổi mới tư duy toàn diện về kinh tế - xã hội, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện đời sống nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế trong các giai đoạn tiếp theo.
Đại hội VII (6/1991) - Đại hội của ý chí, của lòng quyết tâm và của niềm tin vào con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn.
Cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, thế giới chứng kiến nhiều biến động lớn. Một trong những sự kiện đáng chú ý là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, dẫn đến kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh. Mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa ở các quốc gia này đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng và không thể duy trì. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến chính sách của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, trong khi các nước phương Tây và nhiều quốc gia châu Á, châu Phi bước vào một thời kỳ phát triển mới, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy này. Cải cách và mở cửa là yêu cầu tất yếu để đất nước có thể hòa nhập với xu thế phát triển toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ.
Bối cảnh quốc tế cũng chứng kiến sự tăng cường của các mối quan hệ hợp tác đa phương, các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... đang ngày càng có ảnh hưởng lớn đến các chính sách phát triển kinh tế của các quốc gia. Sự thay đổi này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam phải cải cách, mở cửa để tận dụng cơ hội từ các mối quan hệ quốc tế và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Dù tiến hành đổi mới được gần 5 năm, đất nước đã bước qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế, hệ thống bao cấp dần được thay thế bằng cơ chế thị trường, nhưng đời sống nhân dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm tiếp tục đổi mới và phát triển đất nước, Đại hội VII đã được họp, trong đó nhấn mạnh đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt có sự tham gia mạnh mẽ của kinh tế tư nhân, hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác.
Lần đầu tiên Đảng ta xác định rõ ràng mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một bước đi quan trọng để chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang một nền kinh tế hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đây là một bước tiến vững chắc trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế, củng cố nền tảng để đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại hội VIII (6/1996) - dấu mốc chói lọi của ý chí tự cường dân tộc và khát vọng vươn ra biển lớn
Trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều chuyển biến sâu sắc, nhất là sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa toàn cầu đứng trước nhiều thách thức, Đại hội VIII đã họp, khẳng định bản lĩnh kiên cường, sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong việc tiếp tục con đường đổi mới do Đại hội VI khởi xướng. Đại hội VIII xác định rõ mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập quốc tế, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (1995), mở đầu cho giai đoạn chủ động và tích cực hội nhập khu vực và thế giới.
Về đối ngoại, Đại hội VIII khẳng định mạnh mẽ đường lối hòa bình, hữu nghị, chủ động hội nhập, kiên trì đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tạo thế và lực mới cho đất nước trong thời kỳ đổi mới. Chính từ định hướng đúng đắn đó, Việt Nam không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước nâng cao vị thế trên trường toàn cầu, mở rộng cánh cửa hội nhập, chuẩn bị vững chắc cho sự kiện trọng đại - gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006.
Về văn hóa - xã hội, Đại hội xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Đảng ta đề cao giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, khơi dậy sức mạnh trí tuệ, phẩm chất đạo đức, tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Đại hội VIII là biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược. Đó là Đại hội của hội nhập mạnh mẽ, đổi mới toàn diện, khơi dậy khát vọng dựng xây một Việt Nam giàu mạnh, văn minh, phát triển và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã tạo đà cho những bước tiến thần tốc về kinh tế, xã hội và đối ngoại, củng cố niềm tin sắt son của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đại hội IX (4/2001) và Đại hội X(4/2006) - viết tiếp bản hùng ca Đổi mới bằng khát vọng hội nhập và tự cường dân tộc
Giai đoạn từ năm 2001 đến 2006 - thời điểm trước và trong hai kỳ Đại hội IX và X của Đảng Cộng sản Việt Nam - là một giai đoạn đầy biến động nhưng cũng tràn đầy cơ hội trên cả bình diện quốc tế lẫn trong nước, đặt ra những yêu cầu cấp thiết về tầm nhìn, bản lĩnh và khả năng lãnh đạo chiến lược của Đảng ta.
Bước vào thế kỷ XXI, trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình sâu sắc bởi làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, đất nước ta đứng trước cả thời cơ lớn lao lẫn thách thức quyết liệt. Chủ nghĩa xã hội ở một số nước lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá bằng âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong khi các cuộc xung đột sắc tộc, khủng bố, cạnh tranh chiến lược và bất bình đẳng toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi Việt Nam phải kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời linh hoạt, sáng tạo, chủ động hội nhập, tranh thủ thời cơ để phát triển bền vững.
Trong nước, sau 15 năm đổi mới toàn diện đất nước (1986 - 2000), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên nhiều lĩnh vực: kinh tế tăng trưởng liên tục, chính trị ổn định, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố. Tuy nhiên, đất nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng yếu kém, khoa học - công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế, và sự gia tăng các vấn đề xã hội như tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường... Tình hình ấy đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh vững vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đã khẳng định một bước tiến lớn về tư duy chiến lược khi đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010), với mục tiêu: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.” Đại hội nhấn mạnh: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, giữ vững quốc phòng - an ninh là trọng yếu thường xuyên. Tư tưởng “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” lần đầu tiên được xác lập rõ nét trong một tầm nhìn dài hạn.
Đại hội X của Đảng (năm 2006) - diễn ra trong thời khắc lịch sử khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, hội nhập, tự cường. Đại hội tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của Đảng trong công cuộc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, và khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, lần đầu tiên khái niệm "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" được thể hiện một cách đầy đủ, rõ ràng, đánh dấu bước trưởng thành về lý luận và nhận thức chiến lược của Đảng trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Cả hai kỳ Đại hội đều thể hiện rõ sự kế thừa và phát triển, nhất quán về mục tiêu: xây dựng một nước Việt Nam độc lập - tự chủ - hùng cường - văn minh - hiện đại. Đồng thời, hai Đại hội đã tạo nên khí thế mới, niềm tin mới trong nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, thúc đẩy các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể khẳng định, Đại hội IX và Đại hội X chính là những dấu ấn rực rỡ, khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy đổi mới toàn diện và khát vọng vươn lên mãnh liệt của dân tộc ta trong thời đại hội nhập. Hai kỳ Đại hội không chỉ mở đường cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, mà còn đánh dấu bước tiến vượt bậc trong nhận thức lý luận, năng lực lãnh đạo và khả năng hội nhập quốc tế của Đảng ta.
Đại hội XI (1/2011) và XII (1/2016) - Hành trình khẳng định bản lĩnh và khát vọng phát triển của đất nước
Đại hội XI và Đại hội XII, không chỉ là những dấu mốc chính trị quan trọng, mà còn là những ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước trong hành trình đổi mới và phát triển. Trong gian khó, Đảng ta vẫn kiên định lý tưởng cách mạng; trong chuyển mình của thời đại, Đảng vẫn nhạy bén, bản lĩnh để vạch đường hướng đi phù hợp, nâng tầm quốc gia.
Trước những thời cơ và thách thức đan xen, Đại hội XI (2011) và Đại hội XII (2016) của Đảng đã khẳng định tinh thần kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội XI xác định chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020, đặt mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội XII tiếp nối và nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là then chốt để giữ vững vai trò lãnh đạo và niềm tin của nhân dân cũng được chú trọng.
Từ chiến lược dài hạn, từ những chính sách đổi mới mang tính đột phá, đến tinh thần “dân là gốc”, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển - tất cả đã tạo nên một Việt Nam mạnh mẽ, tự tin, đầy nội lực trong lòng bạn bè quốc tế.
Đại hội XI và XII là bản hùng ca của niềm tin - niềm tin vào trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những nghị quyết và quyết tâm của hai kỳ Đại hội tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước - cùng viết tiếp hành trình xây dựng một nước Việt Nam phát triển, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đại hội XIII (1/2021) mang tinh thần Đổi mới sáng tạo, động lực bứt phá để phát triển đất nước trong thời đại mới
Năm 2021, giữa những tháng ngày đầy thử thách của đại dịch COVID-19, đất nước Việt Nam vẫn vững vàng tiến bước với tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường. Trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, Việt Nam đứng trước thời cơ mới để tiếp tục bứt phá trên con đường phát triển toàn diện. Chính vào thời điểm ấy, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được tổ chức - một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình dựng xây và phát triển đất nước.
Đại hội không chỉ nhìn lại chặng đường hơn 35 năm đổi mới với những thành tựu rực rỡ mà còn thẳng thắn nhận diện những thách thức, hạn chế cần vượt qua. Tinh thần của Đại hội là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển,” như ngọn đèn soi rọi, dẫn đường cho toàn Đảng và toàn dân ta trên con đường xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và công bằng.
Tại Đại hội, những quyết sách quan trọng được đề ra nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng an ninh.
Đại hội XIII đã đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng và đất nước, mà còn là bản hùng ca về ý chí và khát vọng vươn tới tương lai tươi sáng. Tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm vượt qua thử thách từ Đại hội đã, đang và sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để mỗi người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu, đều chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại hơn.
Nhìn lại toàn bộ hành trình 13 kỳ Đại hội Đảng, có thể thấy rõ một bức tranh phát triển liên tục, kiên định và bền bỉ của Đảng và dân tộc Việt Nam. Mỗi kỳ Đại hội là sự kết tinh trí tuệ tập thể, là bản anh hùng ca về ý chí tự cường và khát vọng vươn lên không ngừng nghỉ. Qua đó, Đảng đã khẳng định vai trò trung tâm trong sự nghiệp cách mạng, lãnh đạo toàn dân thực hiện những mục tiêu chiến lược, vượt qua mọi thử thách để tiến tới sự phát triển thịnh vượng, hạnh phúc cho nhân dân.
13 kỳ Đại hội Đảng là những minh chứng sống động cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng lớn lao để mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau tiếp tục chung tay góp sức, giữ gìn và phát huy những giá trị vĩ đại của dân tộc trên con đường phát triển bền vững và thịnh vượng./.
Bài 2
ThS. Cao Thị Thu Trà
Khoa Lý luận chính trị & Pháp luật