Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025

Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng này thông qua việc nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Công Thương và phát triển, tăng cường khả năng ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của các tổ chức đoàn thể, chính quyền tại cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Đó là mục tiêu chung trong Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Công Thương.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan, đơn vị, được tiếp cận với các cán bộ, nhân viên tư vấn, hỗ trợ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình là truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng.

Cụ thể, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, tổ chức và cá nhân trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức các hoạt động truyền thông thường xuyên và chiến dịch truyền thông hướng tới các nhóm đối tượng phù hợp với mục tiêu vận động chính sách và vận động xã hội, tạo sự thay đổi nhận thức, thực hành về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân;

Chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, trẻ em trai, thanh niên nhằm tạo sự thay đổi trong xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Mặt khác duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó, duy trì, mở rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ sinh kế và tự chủ về mặt tài chính cho các nhóm đối tượng phù hợp với tình hình thực tế;

Nhân rộng và nâng cao chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nghiên cứu, thí điểm triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. 

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, người gây bạo lực; tăng cường các hoạt động thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ, với các địa phương trong việc triển khai các hoạt động ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới;

Huy động hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện đầy đủ và thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các cơ quan, đơn vị.

Nguồn: HCQT