Đẩy mạnh tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử

Đẩy mạnh tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng bầu cử quốc gia về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” với mục đích tuyên truyền về cuộc bầu cử, giúp người dân tiếp cận và tìm hiểu kiến thức pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Thực hiện Kế hoạch số 159/KH-BGDĐT ngày 01/3/2021 về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 của ngành giáo dục; Công văn số 820/HĐPB ngày 23/3/2021 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về việc hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, cở sở giáo dục đại học, trường sư phạm, các đơn vị thuộc Bộ tích cực hưởng ứng Cuộc thi và khuyến khích, tạo điều kiện cho công chức, viên chức, giảng viên, học viên, sinh viên… tham gia Cuộc thi.

Đẩy mạnh tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử.

Cuộc thi sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày (từ 00h00 ngày 1/4/2021 đến 24h00 ngày 30/4/2021) trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Văn phòng Quốc hội và nhiều Cổng/Trang thông tin điện tử khác.

Đối tượng tham gia dự thi là công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Nội dung thi về các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015; một số quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND…

Nội dung của Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” là các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; một số quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo Thể lệ của Ban Tổ chức, người dự thi sau khi khai báo các thông tin cần thiết sẽ thực hiện trả lời 20 câu hỏi (bao gồm 19 câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp, 01 câu dự đoán số lượng người dự thi trả lời đúng tất cả các câu hỏi trắc nghiệm) trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet. Mỗi cá nhân được dự thi tối đa 03 lần thi để có thể cải thiện kết quả, mỗi lượt thi kéo dài tối đa 20 phút.

Giải thưởng Cuộc thi gồm: 1 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng/giải; 5 Giải Nhì trị giá 5 triệu đồng/giải; 10 Giải Ba mỗi giải trị giá 3 triệu đồng/giải và 20 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng/giải. Ngoài ra, căn cứ kết quả Cuộc thi và nguồn kinh phí thu hút từ xã hội hóa, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ xem xét, quyết định tăng cơ cấu giải thưởng, mức giải thưởng, quà tặng của Cuộc thi.

Thí sinh tham gia dự thi có thể truy cập trực tiếp địa chỉ Cuộc thi tại website: https://thitimhieuphapluat.moj.gov.vn hoặc truy cập Chuyên mục Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội; Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử Quốc gia; Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; Trang thông tin điện tử Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Báo Điện tử Đại biểu nhân dân và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử…

Nguồn: TH