TS. Vũ Văn Khoa - Từ sinh viên ngành Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Điện lực đến cán bộ nghiên cứu, phát triển tại Công ty Công nghệ hàng đầu Nhật Bản
TS. Vũ Văn Khoa - Từ sinh viên ngành Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Điện lực
đến cán bộ nghiên cứu, phát triển tại Công ty Công nghệ hàng đầu Nhật Bản
Cựu sinh viên Vũ Văn Khoa thuộc lứa đầu tiên của Khoa Điện tử - Viễn thông, hiện đang là Kỹ sư ở bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Công ty Espec Nhật Bản - nhà sản xuất buồng thử nghiệm môi trường hàng đầu thế giới. Công ty nằm trong danh sách 100 công ty hàng đầu thế giới do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp bình chọn và có chi nhánh trên toàn cầu từ Mỹ, Trung Quốc, Brazil, New Zealand, Hàn Quốc và châu Âu.
Chia sẻ về những bước chân đầu tiên với ngành Điện tử Viễn thông, Khoa cho biết “Trong thời gian đi học, em có rất nhiều kỷ niệm với thầy cô và bạn bè, đặc biệt em có tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như Robocon, Sinh viên tình nguyện, du lịch, … Những hoạt động này mang lại những trải nghiệm hết sức quý giá, chẳng hạn như khi tham gia Robocon em được tiếp cận mạch điện tử và tự mình tìm hiểu quá trình phát triển một sản phẩm cơ điện tử từ rất sớm. Các hoạt động đoàn thể giúp em được gặp gỡ bạn bè và có những mối quan hệ tốt cho tới tận bây giờ”.
Sau khi tốt nghiệp, Khoa có cơ hội du học tại một trường đại học có truyền thống lâu đời và được xếp hạng hàng đầu ở Nhật Bản, Đại học Ritsumekan. Năm 2021, Khoa đã đạt học vị Tiến sỹ tại Đại học Ritsumekan với chuyên ngành Điện, điện tử và hệ thống máy tính.
Tại đây, Khoa được các giáo sư người Nhật Bản hỗ trợ và xuất bản được nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế và các hội nghị trong và ngoài Nhật Bản. Hướng nghiên cứu chính của nhóm là về lĩnh vực mạng cảm biến không dây, trong giám sát, tái tạo các điều kiện môi trường như nhiệt độ, nắng, mưa, gió, áp suất.
TS. Vũ Văn Khoa tại phòng Lab, Đại học Ritsumekan, Nhật Bản.
Trong thời gian công tác, ngoài các công việc thuộc chuyên ngành điện tử, Khoa đã tham gia và tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm như thiết kế cơ khí, thử nghiệm và phân tích chức năng sản phẩm, phát triển phần mềm hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Công ty Espec, nơi Khoa đang công tác, có thị phần lớn nhất ở Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh máy tái tạo điều kiện môi trường và cung cấp các dịch vụ đi kèm. Nhờ vậy, Khoa được làm việc phù hợp với chuyên môn và khả năng, có nhiều mảng công việc khác có thể phát triển thêm, khuyến khích sáng tạo dựa trên việc hiểu bản chất sự việc, được tiếp xúc với các đối tác lớn trong lĩnh vực bán dẫn, thiết bị điện tử.
Khuôn viên Đại học Ritsumekan, Nhật Bản - nơi cựu sinh Vũ Văn Khoa theo học bậc thạc sĩ, tiến sĩ.
Khi được hỏi về những lời khuyên cho các sinh viên đang học, Khoa chia sẻ: Các bạn cần xác định mục tiêu rõ ràng, xây dựng kế hoạch đạt được mục tiêu, tuy nhiên vẫn cần sự linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Các bạn nên học và phát triển một vài kỹ năng không liên quan đến công việc hiện tại, nhưng có thể bổ trợ cho sau này, ví dụ như Machine learning, các ngôn ngữ lập trình. Ưu tiên những kỹ năng giúp tận dụng lợi thế của mình.
Khi gặp khó khăn, hãy cố gắng nỗ lực trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Nên chọn thời điểm tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp, để mình có đủ thời gian để tự cố gắng, nhưng cũng không muộn quá để lỡ mất cơ hội được giúp đỡ.
Đặc biệt với những bạn quan tâm đến cơ hội làm việc tại Nhật Bản, Khoa có chia sẻ “Các công ty Nhật hàng năm có quy trình tuyển dụng sinh viên mới ra trường gần như là giống nhau. Mức lương sinh viên mới ra trường cũng hầu như là như nhau (180k~210k JPY cho cử nhân, 220k~250k JPY cho thạc sỹ trở lên). Chế độ tăng lương cũng như phúc lợi xã hội của các công ty cùng qui mô cũng khá gần nhau nên mặt bằng chung của người đi làm ở Nhật là ổn định.
Các công ty lớn thì chế độ đãi ngộ khá tốt, nhưng mức lương trung bình có vẻ thấp hơn khá nhiều so với các công ty Mỹ, Úc hay châu Âu. Với sinh viên mới ra trường, đa phần các công ty Nhật không yêu cầu nhiều kỹ năng, chủ yếu căn cứ vào động lực làm việc và tính cách phù hợp với công ty. Tất nhiên có nhiều kỹ năng phù hợp sẽ là điểm cộng, vì trong quá trình đào tạo ở công ty sẽ học hỏi nhanh hơn và làm được việc sớm hơn.
Theo em, việc 1 ứng viên là người dám nghĩ dám làm, có 1 số góc nhìn khác biệt và chịu khó học hỏi là phẩm chất cần thiết. Bên cạnh đó, em được công ty hỗ trợ thủ tục thuê nhà, trợ cấp nhà ở và gia đình, thủ tục làm visa lưu trú”.
Nguồn: Khoa Điện tử viễn thông