Ngành Điện tử - Viễn thông Trường Đại học Điện lực: Tương lai phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực lớn, thu nhập ngày càng cao

Ngành Điện tử - Viễn thông Trường Đại học Điện lực: Tương lai phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực lớnthu nhập ngày càng cao

1. Xu hướng phát triển của ngành Điện tử - Viễn thông

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Chip bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp Điện tử - Viễn thông, ai làm chủ thị trường thiết bị Điện tử - Viễn thông thì mới thực sự làm chủ công nghiệp Bán dẫn; không có bất kỳ quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp Điện tử - Viễn thông phát triển, tất cả quốc gia phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thành công về ngành công nghiệp Bán dẫn đều có ngành công nghiệp Điện tử - Viễn thông phát triển.

Điện tử - Viễn thông là một trong những ngành phát triển mạnh mẽ và sức có ảnh hưởng ngày càng lớn trong xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cao. Từ điện thoại thông minh, máy tính, đồng hồ thông minh, xe điện, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, cho đến vệ tinh, tên lửa, UAV,..., chúng ta đang sống và hoà mình trong thế giới được hỗ trợ bởi các hệ thống Điện tử - Viễn thông.

Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel hợp tác với Trường Đại học Điện lực.

Việt Nam có lợi thế phát triển ngành Điện tử - Viễn thông, Bán dẫn: Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa chính trị, là trung tâm toàn cầu liên quan đến ngành Điện tử - Viễn thông, Bán dẫn. Thứ hai, Việt Nam có lợi thế là người Việt Nam có gene về khoa học công nghệ, STEM. Thứ ba, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp Điện tử - Viễn thông, Bán dẫn theo hướng (X+1). Ngoài ra, về tài nguyên phục phát triển ngành Điện tử - Viễn thông, Bán dẫn, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp Điện tử - Viễn thông, Bán dẫn, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có nhiều năm phát triển công nghiệp Điện tử - Viễn thông, Bán dẫn.

Đặc biệt, lĩnh vực Điện tử - Viễn thông, Bán dẫn được đánh giá là công nghệ nền tảng và giữ vai trò trọng yếu của Việt Nam trong 30 - 50 năm tới. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm trên toàn cầu lĩnh vực Thiết kế chip sẽ đem lại doanh thu khoảng 60 tỷ USD, cả ngành Công nghiệp bán dẫn sẽ đem lại doanh thu khoảng 600 tỷ USD, nhưng ngành Công nghiệp Điện tử - Viễn thông sẽ đem lại doanh thu khoảng 3.000 tỷ USD, còn ngành Công nghiệp ICT sẽ đem lại doanh thu khoảng 20.000 tỷ USD, đây sẽ là cơ hội rất lớn để ngành Điện tử - Viễn thông ở Trường Đại học Điện lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

2. Vai trò của ngành Điện tử Viễn thông trong cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số

Điện tử - Viễn thông đang có những thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay. Xu hướng công nghệ kết nối vạn vật (IoT), robot tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây đi kèm trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội phát triển lớn. Phát triển đột phá công nghệ này phải dựa trên nền tảng của ngành công nghiệp Điện tử - Viễn thông. Ngành này đã trở thành trung gian và đóng vai trò trung tâm của nhiều ngành mũi nhọn như cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính,...

Mối quan hệ giữa ngành Điện tử Viễn thông và ngành Điện, CNTT, Cơ khí.

Trong thời gian gần đây, chủ đề “công nghiệp 4.0” được đưa ra thảo luận ở nhiều nơi, đây là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Điện tử - Viễn thông và CNTT đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố của thế giới số trong cách mạng công nghiệp thứ 4 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI): Dữ liệu lớn (Big Data) và Khoa học dữ liệu (Data Science), Internet vạn vật (IoT), các yếu tố trên đều dựa trên nền tảng công nghệ của ngành Điện tử - Viễn thông và CNTT. Đây là hai ngành kỹ thuật mũi nhọn cho phép tạo ra cơ sở hạ tầng kết nối, trao đổi, thu thập, lưu trữ và xử lý nguồn thông tin khổng lồ của thế giới số và tạo ra các giá trị mới trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm. Điện tử - Viễn thông có xu hướng tập trung vào cơ sở hạ tầng truyền thông cũng như các thiết bị phần cứng, còn CNTT tập trung vào phần mềm và ứng dụng, hai ngành này hiện nay có xu hướng hội tụ và không còn ranh giới rõ rệt.

3. Nhu cầu nguồn nhân lực, cơ hội, vị trí việc làm của kỹ sư ngành Điện tử - Viễn thông

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông của thế giới, là một trong những quốc gia đứng đầu về sản xuất điện thoại và linh kiện, thiết bị điện tử. Lĩnh vực điện tử thu hút hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư FDI từ các tập đoàn lớn trên thế giới và các doanh nghiệp trong nước, với doanh thu gần 150 tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động và sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ICT trong nước cũng có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra những điểm sáng trong bức tranh của ngành Điện tử - Viễn thông như Viettel, FPT, VNPT, VinGroup,...

Trong bối cảnh xu hướng hội tụ công nghệ và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, các doanh nghiệp công nghệ ngành Điện tử - Viễn thông nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tham gia. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn và các doanh nghiệp rất quan tâm tới vấn đề số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực ngành ngành Điện tử - Viễn thông của Việt Nam.

Cán bộ, giảng viên Khoa Điện tử - Viễn thông tham gia Hội nghị cấp cao về Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam, chuẩn bị cho việc đào tạo về IC bán dẫn tại Trường Đại học Điện lực.

Trước xu hướng phát triển hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng đa dạng, yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu - phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu hụt lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Kết quả thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong ngành Điện tử - Viễn thông mỗi năm khoảng 16 nghìn kỹ sư ngành Điện tử - Viễn thông và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.

Kỹ sư ngành Điện tử - Viễn thông sẽ làm trong các mảng công việc: Thiết kế, sản xuất thiết bị điện tử, vi mạch bán dẫn; phát triển phần mềm; thiết kế lập trình các máy tính nhúng; thiết kế vận hành, tối ưu mạng máy tính và mạng truyền thông; phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy; phát triển vận hành thiết bị điện tử y tế.

Các công ty tuyển dụng kỹ sư Điện tử - Viễn thông gồm: Công ty Điện tử: Samsung, Intel, Infineon, Bosch, Qorvo, CoAsia, Renesas, Marvel, Qualcomm, Mediatek, TSMC,...; công ty phần mềm nhúng: FPT Software, Viettel High Tech, VNPT Technology, Samsung, Toshiba, Panasonics, Nissan, LG Electronics,...; công ty phần mềm: FPT Software, Zalo, VNG,...; các doanh nghiệp cần phân tích dữ liệu như: Các ngân hàng, các công ty bảo hiểm; các bệnh viện; các công ty viễn thông như: Viettel, VNPT, MobiFone, Vinaphone, FPT Telecom,...

4. Mức thu nhập của kỹ sư ngành Điện tử - Viễn thông

Mức thu nhập của kỹ sư Điện tử - Viễn thông sẽ có sự thay đổi tùy vào trình độ chuyên môn, năng lực và quy mô doanh nghiệp hoặc tính chất của công việc, nhưng nhìn chung theo thống kê và khảo sát có thể thấy mức thu nhập này rất hấp dẫn.

Thu nhập của kỹ sư ngành Điện tử - Viễn thông ở các cơ quan, doanh nghiệp ở mức cao và ngày càng tăng. Theo công bố thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Viettel năm 2023: Mức thu nhập bình quân của người lao động toàn Tập đoàn năm 2023 là 30,63 triệu đồng/tháng; mức thu nhập bình quân của người lao động công ty mẹ Tập đoàn năm 2023 là 45,52 triệu đồng/tháng.

Mức lương kỹ sư Điện tử - Viễn thông được đánh giá là rất hấp dẫn trong thị trường lao động hiện nay, mức lương có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng (tương đương với 4.000 USD) đối với những người có trình độ cao và đảm nhận những công việc phức tạp.

Cơ hội làm việc tại nước ngoài và nâng cao thu nhập: Kỹ sư trình độ cao và thành thạo ngoại ngữ có thể lựa chọn ra làm việc tại nước ngoài để nhận mức lương cao hơn. Tại Đông Nam Á, Phillipines là một trong những nước có mức lương trung bình tương đối "khủng" dành cho các kỹ sư Điện tử - Viễn thông, khoảng 305.000 peso/tháng (tương đương trên 140 triệu đồng).

Tại Mỹ, một trong những nước có ngành Điện tử - Viễn thông phát triển nhất trên thế giới, mức lương cho một kỹ sư trong ngành này khoảng hơn 100.000 USD/năm (tương đương với khoảng 2,5 tỷ đồng). Đây thực sự là cơ hội tuyệt vời cho những người tài năng và tham vọng.

5. Đào tạo ngành Điện tử Viễn thông tại Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực

Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực được thành lập được gần 20 năm, với nhiệm vụ chính là Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Điện tử Viễn thông. Với sự sáng tạo và đổi mới không ngừng, Khoa Điện tử - Viễn thông đã trở thành địa chỉ đào tạo đại học, sau đại học có uy tín.

Trong những năm qua, Khoa Điện tử - Viễn thông đã có những bước phát triển vượt bậc, đến nay Khoa có trên 70% giảng viên là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, có thể đảm đương tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hằng năm, Khoa đã cung cấp cho xã hội hàng trăm Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ có trình độ cao, có kỹ năng làm việc khoa học, có khả năng thích ứng tốt với yêu cầu của thị trường lao động, được các cơ quan, doanh nghiệp và người sử dụng lao động đánh giá cao.

Chương trình đào tạo ngành CNKT Điện tử - Viễn thông đã Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp giấy Chứng nhận kiểm định Chất lượng giáo dục vào năm 2022.

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG Hà Nội trao giấy Chứng nhận kiểm định Chất lượng giáo dục ngành CNKT Điện tử - Viễn thông cho Khoa Điện tử - Viễn thông.

Chương trình đào tạo ngành Điện tử - Viễn thông được thiết kế giúp sinh viên xây dựng và phát triển kiến thức nền tảng, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn cần thiết trong ngành. Từ đó, sinh viên có thể cải thiện và tối ưu hoá các giải pháp khoa học kỹ thuật cho việc thiết kế và đảm bảo chất lượng các hệ thống Điện tử Viễn thông, các hệ thống nhúng và Internet vạn vật (IoT), hệ thống truyền thông tin và hệ thống mạng, hệ thống Thiết bị điện tử y tế.

Ngành Điện tử - Viễn thông của Khoa Điện tử - Viễn thông là ngành gồm hai lĩnh vực chính: Điện tử với việc thiết kế các mạch điện tử, vi mạch, linh kiện điện tử và áp dụng chúng để phát triển các hệ thống điện tử sử dụng trong mọi mặt của đời sống, từ các hệ thống điện tử trong công nghiệp, hàng không, y tế cũng như hệ thống dân dụng.

Viễn thông chuyên phát triển các hệ thống thông tin, truyền thông bao gồm các hệ thống thu và phát để truyền thông tin qua một khoảng cách lớn, trong các môi trường truyền dẫn khác nhau. Các hệ thống truyền thông điển hình là điện thoại, mạng internet, hệ thống thông tin vệ tinh, các mạng cảm biến, hệ thống kết nối các thực thể vật lý trong internet vạn vật…

Hiện nay, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực đang đào tạo Đại học ngành CNKT Điện tử Viễn thông, với các chuyên ngành: Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Điện tử​ và kỹ thuật máy tính, Thiết bị điện tử y tế; Đào tạo Thạc sĩ ngành Kỹ thuật Điện tử và Tiến sĩ ngành Kỹ thuật điện tử.

Bên cạnh đào tạo, trang bị kiến thức nền tảng vững chắc, nhà trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm. Mạng lưới chuyên gia, mạng lưới doanh nghiệp ngành Điện tử - Viễn thông đã đồng hành với Trường ngay từ khi đào tạo để bổ sung thêm các kỹ năng, kiến thức thực tế cho sinh viên. Trong thời quan qua, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, Samsung, Siemens, LG, Lumi Việt Nam, Pavana, Cyberlotus, COMIT,...

6. Để học và làm tốt ngành Điện tử - Viễn thông, sinh viên cần có tố chất, năng lực, kỹ năng  ? 

Các cuộc cánh mạng công nghiệp trước đây chủ yếu tạo ra sự phân chia cơ cấu lực lượng lao động xã hội theo các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo cơ sở đưa đến một loại hình phân chia cơ cấu nhân lực mới với hai thành phần cơ bản:  Nhân lực thừa hành và Nhân lực đổi mới sáng tạo.

TS. Vũ Văn Khoa, cựu sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực, nhận bằng tiến sĩ tại Nhật Bản, hiện đang là cán bộ nghiên cứu tại Công ty Espec, Công ty Công nghệ hàng đầu Nhật Bản.

Cơ cấu ngành nghề sẽ có những thay đổi căn bản. Các ngành nghề truyền thống sẽ dần bị xóa nhòa và được thay thế bằng các ngành có tính tích hợp, liên ngành cao như Khoa học vật liệu - Điện - Điện tử Viễn thông - Công nghệ thông tin - Cơ điện tử - Công nghệ môi trường.

Thị trường lao động trong tương lai sẽ ngày càng hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ sư ngành ĐTVT cần trang bị các kỹ năng mềm và năng lực đổi mới, sáng tạo để có thể làm việc trong các doanh nghiệp, liên tục đổi mới nhằm đưa ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, với hàm lượng tri thức lớn.

Không chỉ cần có đam mê và sở thích, nếu muốn theo đuổi học và làm việc trong ngành Điện tử - Viễn thông, bạn còn cần trang bị và phát triển cho mình một số tố chất cần thiết như: Tư duy logic; kiên trì nhẫn nại; khả năng ngoại ngữ; ham học hỏi, phát triển bản thân.

Nguồn: Khoa Điện tử viễn thông