Phòng chống bệnh bạch hầu

 Phòng chống bệnh bạch hầu

1. Đặc điểm chung

Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn gây bệnh. Lây truyền qua đường hô hấp (Giọt bắn) và qua tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm. Tỷ lệ tử vong dao động từ 5-10% (nhóm không được điều trị: 30-50%). Bệnh đã có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu (kháng độc tố + kháng sinh)

2. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheriae). Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có xuất hiện giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, da, các màng niêm mạc khác như kết mạc.

3. Bệnh bạch hầu lây như thế nào?

- Lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp: Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi;

- Lây truyền gián tiếp: Tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

4. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

 Người bệnh bạch hầu sẽ có biểu hiện các triệu chứng điển hình như: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Quá trình mắc bệnh, sau 2-3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc của người bệnh dài, dễ chảy máu và dính. Có thể nói đây là dấu hiệu điển hình và quan trọng nhất để nhận biết bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó người bệnh có dấu hiệu khó nuốt, khó thở. Thời gian 6-10 ngày là thời điểm quan trọng để điều trị hoặc có thể khỏi hoặc trở nên trầm trọng, thậm chí là gây ra tử vong. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có các biểu hiện như sưng to cổ, khó thở, rối loạn tim…

5. Biến chứng của bệnh

- Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu, tỉ lệ tử vong rất cao;

- Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến liệt các dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và liệt cơ hoành;

- Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.

Lưu ý: Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, khuyến cáo viên chức, người lao động, học viên và sinh viên cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng sau:

- Cần tìm hiểu các thông tin cơ bản liên quan đến bệnh bạch hầu như: Triệu chứng, cách phòng bệnh, tiêm chủng vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định;

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;

-  Đảm bảo nhà ở và lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng;

-  Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời;

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế./.

Nguồn: Bộ phận Y tế(tổng hợp)