Phòng, chống sốt xuất huyết Dengue

Phòng, chống sốt xuất huyết Dengue

1. Tình hình dịch bệnh

Hiện nay, số ca mắc Sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà nội gia tăng nhanh. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 25.893 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 239 ổ dịch, có 4 ca tử vong, trong đó phường Cổ Nhuế 1 quận Bắc Từ Liêm có 138 trường hợp mắc với 12 ổ dịch. Số bệnh nhân mắc khá cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của con người.

2. Sốt xuất huyết dengue (SXHD) là gì?

SXHD là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể lây thành dịch. Bệnh lây lan do muốn vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa hè. SXHD có thể gây ra các biến chứng do suy đa tạng, xuất huyết não, thậm chí là tử vong. Đến nay, bệnh SXHD chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

3. Biểu hiện của bệnh

- Sốt cao đột ngột 390C – 400C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt;

- Đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp;

- Chán ăn, buồn nôn, đau bụng…;

- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím tại chỗ tiêm…

4. Chăm sóc người mắc SXHD tại nhà như thế nào?

- Nếu sốt cao từ 390C trở lên, nới lỏng quần áo và lau bằng nước ấm, cho thuốc hạ nhiệt là Paracetamol, tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin và Analgin;

- Uống nhiều nước: dung dịch Oresol, nước trái cây…;

- Dinh dưỡng: ăn thức ăn lỏng dễ tiêu (cháo, súp, sữa, thực phẩm giàu vitamin C);

- Người bị SXHD hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác;

- Thẽo dõi hàng ngày các triệu chứng cho đến khi hết sốt 2 ngày.

5. Cách phòng chống bệnh SXHD

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt loăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần.

+ Thu gom, huỷ các vật dụng, phế thải trong nhà và xung quanh nhà như: chai, lọ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn kể cả ban ngày.

+  Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, vợt điện diệt muỗi.

+  Dùng rèm, màn tẩm hoá chất diệt muỗi.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng chống dịch.

Lưu ý: Viên chức, người lao động, học viên và sinh viên của Trường khi mắc bệnh phải thông báo cho Bộ phận y tế trường hoặc Trạm Y tế xã phường nơi sinh sống.

Nguồn: Bộ phận Y tế tổng hợp