Tiếp cận tài nguyên giáo dục mở trong đào tạo và nghiên cứu – Hướng đi mới trong nâng cao chất lượng giáo dục?

Tài liệu mở là tài liệu “sẵn sàng tự do trên Internet công cộng, cho phép bất kỳ ai đọc, tải về, phân phối, in, tìm kiếm, hoặc liên kết tới các văn bản toàn văn của tài liệu đó, khai thác sâu chúng để đánh chỉ mục, truyền chúng như dữ liệu tới các phần mềm, hoặc sử dụng chúng vì bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác, không có các rào cản về tài chính, pháp lý, hoặc kỹ thuật khác với các rào cản không thể tách rời khỏi việc giành được sự truy cập tới bản thân Internet.

Điều kiện tiên quyết để một tài liệu trở thành mở là nó phải được cấp phép mở, vì việc cấp phép mở cho tài liệu sẽ làm cho nó trở nên hợp pháp khi được chia sẻ rộng rãi ở dạng số trên Internet. Bằng cách đó, tài liệu được cấp phép mở và ở dạng số đó mới có khả năng để được bất kỳ ai chia sẻ và sử dụng lại một cách hợp pháp qua Internet.

Thế giới hướng tới truy cập mở

Bắt đầu từ năm 2017, các Bộ trưởng Khoa học các nước liên minh Châu Âu đã thừa nhận, ủng hộ sự phát triển của khoa học mở bao gồm việc hướng tới các xuất bản phẩm từ nghiên cứu từ vốn cấp Nhà nước. Đối với Mỹ, từ 2015 cho tới nay, có chương trình #GoOpen hỗ trợ các bang và các khu trường chuyển sang sử dụng các tài nguyên được cấp phép mở để biến đổi việc dạy và học. Tới nay đã có: 95 khu trường đi với #GoOpen; 23 khu trường đại sứ #GoOpen (làm mẫu cho các khu trường khác đi với #GoOpen); và 20 bang #GoOpen.Hiện tại, 27/51 bang của nước Mỹ có chính sách về giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở, sách giáo khoa mở, hoặc truy cập mở. Trên toàn thế giới, tới Quý I/2019 đã có 746 tổ chức nghiên cứu có chính sách truy cập mở, trong khi tới Quý IV/2018 con số đó chỉ là 732, tăng thêm 14 tổ chức

Định hướng tài nguyên mở ở Việt Nam

Giáo dục thời kỳ cách mạng 4.0 ở Việt Nam rất cần 1 định hướng mới trong việc hỗ trợ người học có thể tìm thấy những nguồn tài nguyên quan trọng được sử dụng “miễn phí”. Các trường đại học cần bắt tay chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu trong nghiên cứu và học thuật dưới các dạng thức khác nhau bao gồm cả những tài liệu chuyển đổi số góp phần tạo nên văn hoá chia sẻ nhằm mục tiêu thảo luận chung, đứng cùng quan điểm và phát triển.vì mục tiêu chung của cộng đồng.

Để đáp ứng được mục tiêu và định hướng này, các hạ tầng pháp lý cũng cần được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số:

  • Thay đổi chính sách để việc chuyển đổi số đikèmvới cấp phép mở:Việc không cấp phép mở cho tài liệu sẽ làm cho tài liệu đó không là tài liệu mở và không thể sử dụng, sử dụng lại và chia sẻ hợp pháp trên Internet. Trên thực tế, nhiều thư viện tiến hành số hóa nhưng không thể/không dám chia sẻ vì sợ vi phạm bản quyền tác giả.
  • Cấp phép mở phải phù hợp với định nghĩa dạng tài liệu mở được thế giới thừa nhận. dữ liệu mở cần được cấp phép để có khả năng chia sẻ, pha trộn và thương mại hóa được
  • Thay đổi và bổ sung chính sách về truy cập mở. Chính sách truy cập mở cần tới sự đồng thuận và hài hòa hóa lợi ích của tất cả các bên liên quan như các thư viện, viện - trường nghiên cứu, nhà nghiên cứu, nhà cấp vốn, nhà xuất bản. 

Hạ tầng kỹ thuật cũng cần được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số

  • Chuyển đổi số bao gồm việc mã nhận diện thường trực duy nhất ở mức toàn cầu: Việc không có các mã nhận diện thường trực duy nhất gắn cho các đối tượng số, sẽ dẫn tới sự đúp bản, không có khả năng quản lý, lần vết khi ứng dụng và phát triển các đối tượng số và vì vậy không có khả năng để giảm ‘đạo văn’; và quan trọng hơn, trong CMCN4, để máy hiểu được mà không cần có sự can thiệp của con người. Ví dụ, các quốc gia tiên tiến sử dụng hàng loạt các mã nhận diện thường trực duy nhất cho các đối tượng số như:  mã nhận diện tài nguyên thống nhất - URI (Uniform Resource Identifier) cả ở mức quốc gia và mức lĩnh vực, ngành nghề;  mã nhận diện đối tượng số - DOI (Digital Object Identifier), ví dụ, cho các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu;  mã nhận diện các nhà nghiên cứu / những người đóng góp sáng tạo – ORCID (Open Researcher and Contributor ID); mã nhận diện tài nguyên nghiên cứu - RRID (Research Resource Identifiers), .v.v. Đây có lẽ là công việc khổng lồ và không thể thiếu sự tham gia của ngành thư viện trong chuyển đổi số và tiếp cận CMCN4, khi nhiều công nghệ quan trọng đương thời dựa vào dữ liệu đều cần tới chúng để phát triển như Internet của vạn vật (IoT), trí tuệ nhận tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data). 
  • Các tài liệu số cần được cung cấp ở định dạng mở.  Định dạng mở là định dạng không đặt ra các hạn chế, tiền bạc hoặc khác, khi sử dụng nó và có thể được xử lý đầy đủ ít nhất bằng một công cụ phần mềm tự do nguồn mở/
  • Xây dựng các kho tài nguyên số cần được kết nối với nhau. Sử dụng phần mềm nguồn mở và sử dụng các tiêu chuẩn mở, không phụ thuộc vào nhà cung cấp và không để các tài nguyên mở bị khóa trói bởi bất kỳ nhà cung cấp nào. Có thể hiểu đơn giản, tiêu chuẩn mở là tiêu chuẩn mà bất kỳ tệp số nào sử dụng nó thì sẽ không phụ thuộc vào phần mềm tạo ra chính tệp số đó. 

Để cùng bắt tay phát triển nguồn học liệu chung, các cơ sở giáo dục, các trường đại học, cao đẳng cần bắt tay thống nhất việc xây dựng và đồng quan điểm trong việc chia sẻ, đồng thời xây dựng đội ngũ triển khai tại các trường/cơ sở giáo dục mang tính chất lan toả và huấn luyện kỹ năng cho các trường/cơ sở giáo dục từ bậc mầm non tới các bậc đào tạo cao hơn, bao gồm:

  • Giáo dục/huấn luyện về truy cập mở. Nên đưa các nội dung về truy cập mở vào giảng dạy, tối thiểu, ở các cơ sở giáo dục đại học có các khoa thông tin - thư viện, như các tài liệu về truy cập mở của UNESCO dành cho các thư viện và các nhà nghiên cứu, cả các nội dung lý thuyết và thực hành. 
  • Giáo dục/huấn luyện về tài nguyên giáo dục mở. Trong năm 2018, UNESCO đã xuất bản tài liệu ‘Khung năng lực CNTT-TT cho giảng viên của UNESCO, phiên bản 3 nhằm vào 3 khía cạnh: giành được tri thức; đào sâu tri thức; và tạo lập tri thức; Một trong các năng lực cơ bản các giảng viên cần phải có là tài nguyên giáo dục mở. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đưa nội dung tài nguyên giáo dục mở, cả lý thuyết và thực hành, vào trong chương trình giảng dạy các cấp học. 
  • Triển khai giáo dục/huấn luyện về tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở trong thực tế.  

Vai trò của các trường Đại học/cơ sở giáo dục

Các trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực mà còn có vai trò, tiềm năng to lớn để góp phần xây dựng một xã hội học tập. Hệ thống giáo dục ban đầu chỉ trang bị cho mọi người phẩm chất, tri thức, kỹ năng có tính nền móng để tiếp tục phát huy, trau dồi, phát triển ở bậc sau phổ thông. Học sinh ra trường phân luồng học lên bậc ĐH hoặc các trường nghề, sau khi ra trường cần phải tiếp tục có nhu cầu và cần được đào tạo thường xuyên; học tập suốt đời, ở mọi lúc, mọi nơi mới không bị “bỏ lại phía sau” trước những biến đổi vô cùng nhanh chóng của tri thức nhân loại đặc biệt trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Trường Đại học Điện lực là một trong những trường đầu tiên được tiếp cận về tài nguyên giáo dục mở và tập trung huấn luyện cho đội ngũ cán bộ quản lý khoa và thư viện của trường tiếp cận về ý tưởng, quan điểm đồng thời tiếp thu một số các kỹ năng cơ bản. Từ đó tiếp tục lan toả trong các khoa chuyên ngành nhằm mục tiêu tất cả đội ngũ giảng viên của trường ý thức về vai trò của tài nguyên giáo dục mở với giáo dục thời đại mới, đảm bảo được kỹ năng về CNTT đáp ứng theo tiêu chuẩn UNESSCO 2018.

Tất cả mọi con đường đều dẫn tới giáo dục. CMCN4, một cuộc cách mạng tri thức, chỉ có thể thành công ở Việt Nam khi và chỉ khi nó dựa được vào hơn 20 triệu người đang hàng ngày sống, học tập và làm việc trong khu vực giáo dục, khu vực ‘nguyên khí của quốc gia’, những người có khả năng nhất để giành được tri thức, đào sâu tri thức, và sáng tạo tri thức cần thiết để đáp ứng các nhu cầu của CMCN4. Mặt khác, để CMCN4 có thể thành công, Việt Nam cần đi với MỞ để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, để hàng chục triệu người Việt Nam có thể giành được tri thức với giá thành thấp nhất; để các giảng viên và sinh viên có khả năng trở thành những người sáng tạo ra tri thức mới dựa trên các tri thức sẵn có và được cấp phép mở của nhân loại chứ không chỉ đơn thuần sử dụng thụ động các tri thức đó; và để đứng được trên vai của những người khổng lồ - khi các cộng đồng mở của Việt Nam phát triển cùng và không tách rời khỏi các cộng đồng mở của thế giới. 

- Nguồn: Lê Trung Nghĩa Blog Foss -