Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế

Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế

“…Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của mọi người trong đó có các bạn sinh viên. Tại EPU, công tác đào tạo và lồng ghép kiến thức về tiết kiệm năng lượng được Nhà trường tập trung chủ yếu vào 3 khối đào tạo Điện, Năng lượng và Quản lý năng lượng…”.

Trên đây là chia sẻ của TS. Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực tại Diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”, được tổ chức ngày 25/10/2022 tại EPU.

Sự kiện do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp với Trường Đại học Điện lực và Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức với mục đích chia sẻ, thông tin tới toàn thể cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ - các em sinh viên Trường Đại học Điện lực về các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện nói riêng cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung.

Qua đó, từ hành động thực tiễn được triển khai trong thời gian qua; cần làm gì để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đặng Hải Dũng – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương cho biết: Vấn đề an ninh năng lượng đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Tại diễn đàn, TS. Dương Trung Kiên cho rằng, bài toán cần hướng đến chính là nâng cao nguồn nhân lực. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của mọi người trong đó có các bạn sinh viên. Ngoài ra, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh cũng là cần thiết và phù hợp.

“Tại Trường Đại học Điện lực, công tác đào tạo và lồng ghép kiến thức về tiết kiệm năng lượng được Nhà trường tập trung chủ yếu vào 3 khối đào tạo Điện, Năng lượng và Quản lý năng lượng. Trong quá trình đào tạo, các sinh viên được trang bị kiến thức về công nghệ mới, các cách thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc sử dụng vận hành thiết bị, vật liệu nào giúp tiết kiệm điện…”, TS. Dương Trung Kiên chia sẻ.

Nói thêm về giải pháp tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới, TS. Dương Trung Kiên cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh.

Ông Nguyễn Đình Hiệp chia sẻ, Nghị định 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là văn bản pháp lý quan trọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống ở cấp quốc gia. Đồng thời, đây là cũng dấu mốc đầu tiên để hình thành ngành công nghiệp về tiết kiệm năng lượng, sau đó chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các chương trình này đã cụ thể hóa tất cả các hoạt động về tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước.

Ông Hiệp thông tin thêm, mặc dù các văn bản pháp luật tuy nhiều nhưng chưa đồng bộ, do vậy Nghị quyết 55 yêu cầu phải sớm xây dựng chính sách đồng bộ với các chế tài cụ thể, nhằm đạt được các mục tiêu về tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Sinh viên EPU hào hứng đặt câu hỏi cho các chuyên gia...

...Thông qua diễn đàn sinh viên có thêm nhiều kiến thức về vấn đề tiết kiệm năng lượng...

Tại diễn đàn các chuyên gia cũng đã trả lời các câu hỏi của sinh viên Trường Đại học Điện lực về các vấn đề như: Nhãn năng lượng, Giờ Trái đất, cách đánh giá sản phẩm dán nhãn năng lượng, hiệu suất năng lượng, công tác kiểm toán năng lượng…góp phần giúp các em hiểu hơn về vấn đề năng lượng, có thêm kiến thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, khuyến khích tiết kiệm điện năng tại chính nơi các em học tập và sinh sống.

Nguồn: Phòng HCQT