Đẩy mạnh tuyên truyền “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021”

Đẩy mạnh tuyên truyền “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021”

Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2021 (từ ngày 15/4 đến 15/5), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ Sở giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Học viện…phối hợp với cơ quan y tế và các ban ngành liên quan tại địa phương triển khai tháng hành động với chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

Kế hoạch chỉ rõ các trường triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho sinh viên, học viên; tổ chức các hoạt động truyền thông cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trường học và phụ huynh về an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh tuyên truyền “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021”.

Vì sự an toàn sức khỏe cho sinh viên, học viên…các trường tập trung tuyên truyền vào các nội dung, như: Bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh tại các bếp ăn tập thể, căng tin, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng;

Mặt khác, Hiểu đúng, tìm hiểu kỹ các thông tin về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đồng thời các trường cần tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh môi trường khuôn viên trường học, lớp học, khu vực nhà vệ sinh trường học để phòng chống các bệnh truyền nhiễm và chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2021 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Chủ đề của Tháng hành động năm 2021 là “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”, sẽ thực hiện từ ngày 15/4-15/5 trên phạm vị toàn tỉnh. Với mục tiêu tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện có trách nhiệm về ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, kiểm tra tại các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với các vấn đề liên quan đến ATTP.

Theo số liệu về tình trạng ngộ độc thực phẩm của Tổng cục Thống kê, năm 2019 trên địa bàn cả nước xảy ra 65 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.765 người bị ngộ độc, trong đó 9 người tử vong. So với năm 2018, số vụ ngộ độc đã giảm 19 vụ, số người bị ngộ độc giảm 1.407 người.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như: Sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017 đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol (một loại hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi), tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%).

Nguồn: TH