Võ Văn Tần - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam

Võ Văn Tần - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam

Võ Văn Tần (bí danh Bảy, Già Trầu) sinh tháng 8/1891 trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước tại làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Lúc nhỏ, đồng chí Võ Văn Tần vừa theo học chữ Nho, vừa học nghề bốc thuốc. Đến năm 23 tuổi, Đồng chí mở lớp dạy học tại làng và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân nghèo. Năm 1917, Đồng chí lên Sài Gòn vừa để kiếm sống, vừa là điều kiện tìm hiểu thời cuộc.

Năm 1922, đồng chí Võ Văn Tần trở về quê và ra làm Biện làng. Đến năm 1923, do tham gia cùng nông dân đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế sát sinh vô lý, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam.

Chân dung đồng chí Võ Văn Tần (1891-1941) .

Năm 1926, từ Hội kín Nguyễn An Ninh, ông chuyển sang gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Do Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên có sự phân hóa, năm 1929, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng nhưng vẫn tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc và gầy dựng cơ sở cách mạng ở địa phương.

Ngày 6-3-1930, sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Văn Tần đứng ra thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở làng Đức Hòa, cũng là chi bộ sớm nhất của tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Giỏi vận động và có tài tổ chức, Võ Văn Tần nhanh chóng phát triển phong trào.

Tháng 5-1930, ông được bầu làm Bí thư Quận ủy Đức Hòa, một trong số Quận ủy đầu tiên trong tỉnh. Ngày 4-6-1930, Võ Văn Tần cùng với Châu Văn Liêm (Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định – Chợ Lớn) lãnh đạo nông dân tiến hành cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất ở Nam kỳ tại quận lỵ Đức Hòa. Cuộc biểu tình bị đàn áp, Châu Văn Liêm hy sinh, Võ Văn Tần bị địch truy nã và kết án tử hình vắng mặt.

Cuối năm 1931, ông thay Lê Quang Sung (bị bắt) làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Từ năm 1932 - 1935 trong điều kiện thực dân Pháp đàn áp khủng bố gắt gao, Võ Văn Tần chuyển hướng hoạt động về quê mẹ ở làng Tân Thới Thượng, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định; đồng thời vẫn cải trang đi về Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn để liên lạc, chỉ đạo xây dựng cơ sở, duy trì các cuộc đấu tranh của quần chúng, tìm người tái lập Xứ ủy.

Tháng 6/1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tháng 6/1932, Đồng chí đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo “Cờ lãnh đạo” (sau này được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động, phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ để tổ chức đấu tranh. Cuối năm 1932, đồng chí Võ Văn Tần chuyển sang làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo “Lao động” để tuyên truyền hướng dẫn giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng lao động.

Từ năm 1933 - 1934, đồng chí Võ Văn Tần vận động, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở các tỉnh miền Tây, chỉ đạo việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho.

Tháng 11/1935, Đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ. Tháng 3/1937, đồng chí Võ Văn Tần được chỉ định giữ trách nhiệm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương.

Tháng 3/1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, Đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Ngày 14/07/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt khi đang họp bàn ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hóc Môn, Bà Điểm).

Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến ra xử bắn công khai tại khu giếng nước (nay là bệnh viện) Hóc Môn. Trước lúc hi sinh, các đồng chí đều dũng cảm giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, kêu gọi đồng bào tiếp tục đấu tranh chống đế quốc, giành tự do độc lập.

Cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao, cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam của đồng chí Võ Văn Tần - một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, nhà lãnh đạo tài năng, sống giản dị khiêm nhường và in đậm tình cảm sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về lý tưởng sống để thế hệ trẻ học tập và noi theo;

Vai trò đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Tần trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng; xây dựng, phát triển các tổ chức cơ sở Đảng đầu tiền ở Nam kỳ; bảo vệ, gìn giữ các tổ chức Đảng trong các thời kỳ bị địch khủng bố; duy trì sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng đối với cách mạng Việt Nam;

Công lao đóng góp của đồng chí Võ Văn Tần đối với cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào đấu tranh Dân chủ 1936 - 1939 ở Nam kỳ và những cống hiến, ý tưởng về hình thức tổ chức hoạt động của Đảng phù hợp với cách mạng Nam kỳ hướng tới cao trào cách mạng 1939 - 1945 và Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công;

Phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần: Say mê, khổ công học tập, rèn luyện và không ngừng vươn lên; nâng cao lý luận cách mạng, rèn luyện qua thử thách đấu tranh cách mạng, kết hợp học tập lý luận với rèn luyện trong thực tiễn; kiên quyết, khẳng khải bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, của đất nước; kiên định với lý tưởng cách mạng, sắt son niềm tin với Đảng, với Tổ quốc;

Tác phong, đạo đức, phong cách của đồng chí Võ Văn Tần ở chỗ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí; luôn quan tâm giáo dục, giúp đỡ cán bộ, đảng viên; luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trước hết, trên hết.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần tuy ngắn (50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng), cùng với sự hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời vì dân, vì nước.

Ngày nay, tượng đài Võ Văn Tần được dựng tại quê hương ông (thị trấn Đức Hòa). Tại Long An, TP.HCM và nhiều địa phương khác có tên đường, tên trường mang tên ông - Võ Văn Tần. Năm 2014, ông được Bộ Chính trị kết luận là vị “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đã giữ cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước trước năm 1945”.

Nguồn: T/h