Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Phòng, chống tác hại của thuốc lá
I. Thực trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam:
Theo điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam gần một nửa nam giới hút thuốc 42,3%; tỷ lệ hút thuốc ở nữ 1,7%;
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người ≥ 15 tuổi tăng lên 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020); tình hình sử dụng thuốc lá điện tử theo nhóm tuổi là 7,3% người 15-24 tuổi, 3,2% người 25-44 tuổi và 1,4 người 45-64 tuổi;
Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đến năm 2030, có thể tăng lên tới 70.000 người;
Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8%, không hút thuốc lá: 3,2%;
Bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi > 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
II. Thành phần độc tính của khói thuốc:
Theo thống kê, thành phần của khói thuốc chứa đến 7000 chất độc hóa học, 69 chất gây ung thư. Sau đây là một số độc chất chủ yếu:
- Nicotin: Có tính chất gây nghiện, tượng tự như ma túy Heroin và Cocain, có ở não chỉ 7 giây sau hút. Nicotin tác động lên các thụ thể ở hệ thống thần kinh với chất dẫn truyền thần kinh dopamine, một hóa chất chính trong não điều chỉnh mong muốn sử dụng các chất gây nghiện, gây bài tiết adrenalin (dẫn đến nhịp tim nhanh, co mạch ngoại vi, ức chế co bóp và chế tiết dịch vị dạ dày);
- Hắc ín: Khi hít khói thuốc, hắc ín sẽ bám vào khí quản và phổi. Khí quản được bao phủ bởi những sợi lông nhỏ, gọi là tiêm mao để quét mầm bệnh và những chất khác ra khỏi phổi. Nhiệm vụ của tiêm mao sẽ khó khăn khi khí quản và phổi bị hắc ín bám vào. Hắc ín trong thuốc lá có chứa những hóa chất, được gọi là chất gây ung thư, chất này có khả năng kích thích sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể;
- Monoxit Carbon (Khí CO): Khi hút khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu, dẫn đến thiếu oxy tổ chức và góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
III. Nguy cơ bệnh tật do thuốc lá:
Khi hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh sau:
1. Tăng khả năng gây bệnh ung thư:
- Thuốc lá gây ra 90% tổng số người chết vì ung thư phổi;
- Hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở nhiều các phần khác như: họng, thanh quản, thực quản, khí quản, dạ dày, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng;
- Những người nghiện thuốc nặng có tỷ lệ chết vì ung thư gấp 4 lần so với người không hút.
2. Bệnh tim mạch:
- Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch lên gấp 2-3 lần và nó còn tương tác với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ lên gấp nhiều lần;
- Những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc cao là xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ;
- Bệnh mạch vành là phổ biến nhất, ước tính chiếm khoảng hơn một nửa trường hợp tử vong vì bệnh tim do hút thuốc.
3. Bệnh hô hấp:
- Hút thuốc lá cũng có nguy cơ phát triển và tử vong cao hơn do rối loạn phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, hút thuốc gây ra 80% trường hợp tử vong do COPD;
- Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen, và các triệu chứng hô hấp mãn tính khác.
4. Các bệnh khác:
- Bệnh răng và lợi: Viêm quanh cuống răng, cao răng, mảng bám làm cho răng dễ bị lung, rụng hơn;
- Tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức thân thể;
- Tăng tỷ lệ mắc bệnh đục thủy tinh thể làm giảm thị lực;
- Tác hại tới sức khỏe sinh sản, sinh dục có thể dẫn đến vô sinh;
- Đối với phụ nữ có thai làm tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, trí tuệ chậm phát triển;
- Đối với trẻ em dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng.
Thuốc lá là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh tật, mỗi cá nhân cần tích cực hưởng ứng, thực hiện việc phòng, chống tác hại của thuốc lá để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội./.
Nguồn: Bộ phận Y tế