Nguy cơ thiếu Điện trong tương lai nếu không có Chính sách đột phá

Phát biểu tại cuộc làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ Công Thương sáng 11/7/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Nếu không có các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, sẽ không thể bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ Công Thương sáng 11/7/2018. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết, Bộ Công Thương đóng vai trò chính trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nếu không thực hiện tốt, đã không có tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân như thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là điện, hiện đang rất bức thiết, trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư, cơ chế chính sách, các yêu cầu bảo vệ môi trường đang là thách thức rất lớn.

Theo kế hoạch, năm nay có khoảng 45.000 MW nguồn điện, đến năm 2020, dự kiến phải có khoảng 60.000-65.000 MW, năm 2025 là 90.000 MW, 2030 là 129.000 MW. Trong khi đó, nhiều dự án hiện đang rất chận so với tiến độ.

Hiện nay chúng ta đang đủ điện, nhưng trong vài năm tới, khả năng thiếu điện là hiện hữu. Thiếu điện không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành điện, mà sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế, đời sống của người dân. Do đó, cần rà soát, hoàn thiện, cập nhật, bổ sung các quy hoạch phát triển năng lượng, trong đó có Quy hoạch điện VII hiện đã được điều chỉnh, nhưng còn rất lạc hậu so với thực tế hiện nay. Cùng với đó, cần rà soát, lập các quy hoạch "nhánh" như quy hoạch điện mặt trời, điện gió và các quy hoạch phát triển năng lượng khác. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó chú ý lựa chọn các dự án ưu tiên để huy động nguồn vốn đầu tư.

Mặt khác, theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tập trung xây dựng chính sách, pháp luật để huy động vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực phát triển nguồn điện, bởi nếu không có cơ chế phù hợp thì không thể huy động được vì liên quan đến bảo lãnh Chính phủ, bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, vv…

Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian trước mắt, cần tập trung đẩy nhanh các dự án điện đang triển khai nhưng bị chậm tiến độ; phát triển mạnh các nguồn điện tái tạo, trong đó có thủy điện; đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm mua được điện từ Lào.

- Nguồn: Tạp chí năng lượng - 

Đại học Điện lực đào tạo các chuyên ngành về năng lượng: Năng lượng tái tạo, kỹ thuật nhiệt, công nghệ môi trường,...Xem chi tiết tại website: http://et.epu.edu.vn